Đây là chia sẻ của vị GS được mệnh danh là “Bố già AI”. Ông là người vừa lập cú đúp giải thưởng VinFuture và Nobel 2024.
Ông là GS Geoffrey Hinton (ĐH Toronto, Canada), người tiên phong trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI). Mới đây, ngày 10/12 (theo giờ địa phương), ông đã tới Stockholm (Thụy Điển) để nhận giải Nobel Vật lý 2024. Trước đó vài ngày, vào tối 6/12, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội, Việt Nam), GS Geoffrey Hinton được vinh danh là đồng chủ nhân của Giải thưởng Chính (trị giá 3 triệu USD) của VinFuture 2024, giải thưởng do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân đồng sáng lập.
GS Geoffrey Hinton nhận Giải thưởng chính VinFuture 2024, cùng với 4 nhà khoa học, bao gồm: GS Yoshua Bengio và GS Geoffrey E. Hinton (Canada), ông Jen-Hsun Huang (Jensen Huang, CEO Nvidia), GS Yann LeCun và GS Fei-Fei Li (Mỹ), vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.
“Vợ không tin khi tôi trở thành chủ nhân của giải thưởng trị giá đến 3 triệu USD”
Nhận được tin trở thành người thắng giải thưởng lớn nhất của VinFuture 2024 khiến GS Geoffrey Hinton rất bất ngờ. Ông nhớ lại: “Ngày hôm đó, tôi đang trên xe và xem điện thoại. Bất ngờ, tôi nhận được tin nhắn với nội dung mời tôi gọi lại cho GS Sir. Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Tôi đã rất bất ngờ khi mình trở thành chủ nhân của giải thưởng cao nhất, trị giá đến 3 triệu USD. Con số này lớn hơn nhiều so với những gì tôi tưởng tượng. Thậm chí khi tôi kể với vợ, bà ấy còn cho rằng tôi đùa và tôi phải chứng minh bằng cách cho vợ xem email (cười – PV) “.
Phản ứng đầu tiên của GS Geoffrey Hinton khi biết tin ông trở thành người thắng giải VinFuture 2024 cũng rất thú vị.
” Chà, họ thật sự hào phóng! “, “Bố già AI” chia sẻ.
“Trước đó, tôi chưa có cơ hội để tìm hiểu nhiều về Việt Nam cũng như Tập đoàn Vingroup. Do vậy, tôi rất ngạc nhiên khi một Quỹ do doanh nhân người Việt sáng lập lại có thể tổ chức được giải thưởng quy mô như thế. Sau khi tìm hiểu, tôi vô cùng ấn tượng với sự thành công thần tốc của Vingroup và bất ngờ trước tốc độ phát triển nhanh chóng của Việt Nam”, GS Geoffrey Hinton bộc bạch.
Theo nhận định của GS Geoffrey Hinton, Giải thưởng VinFuture sẽ khiến các nhà khoa học hàng đầu thế giới chú ý nhiều hơn tới tất cả khía cạnh hoạt động của Việt Nam. ” Những mối liên kết hợp tác cũng được thúc đẩy, chẳng hạn giữa CEO Nvidia Jensen Huang và Việt Nam đã được thiết lập. Tôi cho rằng sự hợp tác này sẽ tạo ra ảnh hưởng đáng kể và chắc chắn mang tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam “.
Sức hấp dẫn từ giải thưởng do người Việt Nam sáng lập
VinFuture mới trải qua 4 mùa giải nhưng dần khẳng định được sức hút của mình trong cộng đồng khoa học quốc tế.
Trên thế giới hiện nay cũng có các giải thưởng rất uy tín và lâu đời về khoa học – công nghệ như Nobel, Turing hay Huy chương Field. Những giải thưởng này nhằm tôn vinh những đổi mới mang tính đột phá, và giúp thúc đẩy tương lai của các lĩnh vực khoa học.
Tuy nhiên, VinFuture lại là giải thưởng mang nhiều dấu ấn khác biệt. VinFuture là giải thưởng vinh danh những nhà phát minh, đổi mới ở lĩnh vực khoa học công nghệ, dựa vào những đóng góp tích cực cho nhân loại.
Không giống như những giải thưởng khoa học danh tiếng khác, Giải thưởng VinFuture xuất phát từ Global South (thuật ngữ dùng để gọi nhóm các nước ở châu Phi, Mỹ Latin và các khu vực đang phát triển thuộc châu Á) và thường xuất hiện một giải thưởng khoa học công nghệ uy tín mang tính toàn cầu. Theo GS Sir. Richard Henry Friend, Giải thưởng VinFuture không chỉ trao cho những công trình giúp tạo ra đột phá trong phạm vi của từng lĩnh vực khoa học mà những công trình ấy phải thực sự tạo ra thay đổi hữu hình và những cải tiến có quy mô lớn thúc đẩy sự phát triển nhân loại.
Để được đề cử, những công trình này phải chứng minh đáp ứng được ít nhất một trong các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Xét về giá trị tiền thưởng, VinFuture được đánh giá là một trong những giải thưởng khoa học – công nghệ có giá trị lớn nhất hiện nay. Bên cạnh Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD, Quỹ VinFuture còn trao tặng các Giải Đặc biệt cho nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, nhà khoa học nữ, và nhà khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu mới, với mỗi giải trị giá 500.000 USD.
Trong khi đó, kể từ năm 2023, những người đạt giải Nobel sẽ được nhận khoản tiền thưởng là 11 triệu Krona, tương ứng với gần 1 triệu USD. Nobel là một giải thưởng quốc tế được công bố hằng năm kể từ năm 1901 nhằm vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y sinh, văn học và hòa bình. Trong đó, riêng giải Nobel hòa bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức.
Năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel.
Trong khi đó, Turing là giải thưởng thường niên thường được coi như là giải Nobel cho lĩnh vực khoa học máy tính. Giải thưởng này được đặt theo tên của nhà bác học Alan Turing, nhà toán học người Anh. Người được coi là cha đẻ của lý thuyết khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo. Giải thưởng Turing có giá trị 1 triệu USD, được đồng tài trợ bởi Intel và Google.
GS Geoffrey Hinton là nhà khoa học thứ 5 từng nhận giải VinFuture và sau đó được vinh danh tại Nobel.
Trong bài PV ngay sau lễ trao giải VinFuture 2024, GS Sir. Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho biết: “Năm nay, tôi đặc biệt tự hào khi chia sẻ rằng VinFuture đã một lần nữa chứng minh khả năng nhận diện sớm những công trình có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Trước khi giải Nobel được công bố (tháng 10 – PV), chúng tôi đã vinh danh GS Geoffrey Hinton, người sau đó đoạt giải Nobel Vật lý 2024, với những đóng góp cho AI.
Điều này không phải là lần đầu tiên. Bởi cách đây 2 năm, chúng tôi cũng đã trao Giải thưởng cho Nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới cho Demis Hassabis và John Jumper từ Google DeepMind với công trình mô hình hóa cấu trúc protein. Và sau đó họ cũng vừa trở thành chủ nhân giải Nobel Hóa học năm nay”.
Nguồn: https://cafef.vn/vo-cung-khong-tin-toi-thang-giai-thuong-3-trieu-usd-tu-ty-phu-pham-nhat-vuong-18824121213582718.chn