“Tù tội hay một hình thức nào đó tôi đều chấp nhận”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết.
Lộc Trời trong thời gian gần đây đang thua lỗ và dính vào lùm xùm nợ tiền lúa vụ Đông Xuân của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5 công ty này đã trả xong nợ cho nông dân.
Đồng thời, công ty cũng có biến động lớn trong dàn lãnh đạo. Tập đoàn Lộc Trời đã chính thức miễn nhiệm ông Nguyễn Duy Thuận khỏi vị trí Tổng Giám đốc vào ngày 15/7.
Trước khi rời chức vụ, ông Thuận đã giữ vai trò CEO của tập đoàn hơn 4 năm. Hiện tại, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đang tạm thời đảm nhận việc điều hành doanh nghiệp cho đến khi tìm được CEO mới.
Trong tháng 9 vừa qua, CTCP Tập đoàn Lộc Trời đã công bố đơn từ nhiệm vị trí Thành viên Ban kiểm soát của ông Tiêu Phước Thạnh.
Trong đơn, ông Thạnh xin từ chức với lý do cá nhân. Đồng thời, ông đề nghị ĐHĐCĐ và Ban kiểm soát chấp thuận đơn từ nhiệm từ ngày 6/9.
Cũng gần khoảng thời gian trên, ông Johan Sven Richard Bode cũng đã nộp đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT với lý do cá nhân.
Đáng chú ý, ông Johan Boden chỉ mới được bầu vào HĐQT Lộc Trời nhiệm kỳ 2024-2029 tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 cách đó 2 tháng.
Ngày 22/7, bà Nguyễn Thị Thúy cũng đã từ chức thành viên Ban Kiểm soát của công ty.
Công văn của UBND tỉnh An Giang cho biết đã nhận được công văn số 312/CV-TĐLT từ Tập đoàn Lộc Trời ngày 12/9, trong đó doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận – cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn. Ông Thuận bị cáo buộc có hành vi gian dối và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Lê Văn Phước, đã chỉ đạo chuyển đề nghị của Tập đoàn Lộc Trời đến Công an tỉnh để giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Trước đó, vào ngày 24/7, Tập đoàn Lộc Trời đã gửi văn bản lên UBND tỉnh, đề nghị thu hồi thẻ APEC và tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Duy Thuận.
Công ty cho biết ông Thuận có dấu hiệu tránh né trách nhiệm và không hợp tác trong việc bàn giao công việc, đồng thời có khả năng xuất cảnh ra nước ngoài nhằm thoái thác trách nhiệm.
Tuy nhiên, UBND tỉnh đã phản hồi rằng việc thu hồi thẻ APEC không thuộc thẩm quyền của họ. Đồng thời, theo quy định, UBND tỉnh An Giang chỉ có thể quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân đang trong quá trình bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, hoặc là đại diện pháp luật của doanh nghiệp bị cưỡng chế. Vì vậy, yêu cầu này của Lộc Trời cũng không thuộc quyền xử lý của UBND tỉnh.
Trong chia sẻ mới đây tại một sự kiện, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết hiện nay công ty đang gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.
“Tôi đang suy nghĩ mình sẽ đi tiếp cùng Lộc Trời hay dừng lại. Dừng lại ở đây không phải để nghỉ ngơi vì có thể sẽ bị thương chứ không chết được. Nếu tôi tiếp tục cống hiến cho Lộc Trời chắc chắn sẽ phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe và tâm lý. Thậm chí có thể bị tù tội. Đây là thách thức với cả tôi và Lộc Trời” , ông Thòn nói.
Ông Thòn bày tỏ rằng Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. ” Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó “.
“ Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi ”, ông Thòn mô tả.
Vị doanh nhân này cũng chia sẻ, có nhiều người đã nói với ông Thòn có thể dừng lại, cùng lắm là bị kỷ luật hoặc cách chức. Việc đi tiếp là cực kỳ rủi ro vì công ty đã gặp tổn thất lớn.
“ Tuy nhiên, trước những khó khăn như vậy tôi vẫn sẽ đi tiếp cùng Lộc Trời. Nếu đi tiếp công ty vẫn sẽ là Lộc Trời, vẫn sẽ có thể lo cơm ăn áo mặc cho hàng nghìn cán bộ công nhân viên, gia đình. Ngoài ra, niềm kiêu hãnh của những con người làm nên Lộc Trời trong suốt 30 năm qua vẫn sẽ vẫn còn. Lộc Trời chưa bao giờ thua lỗ nhưng đã lỗ đậm trong năm qua ” – Ông Thòn tâm sự.
Ông Huỳnh Văn Thòn đang nắm hơn 3% cổ phần LTG
Tiền thân của CTCP Tập đoàn Lộc Trời là Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang được UBND tỉnh An Giang thành lập vào năm 1993 với lĩnh vực chính là cung cấp thuốc trừ sâu, phân bón. Cơ sở vật chất ban đầu của doanh nghiệp rất hạn chế, số vốn chỉ 750 triệu đồng cùng 23 nhân viên.
6 năm sau, công ty nâng vốn lên gấp 57 lần, doanh thu tăng vọt lên 600 tỷ đồng so với con số 13 tỷ đồng trong những năm đầu thành lập, nộp ngân sách tổng cộng 109,8 tỷ đồng.
Sau 31 năm hoạt động, Lộc Trời liên tục mở rộng sang các ngành nghề nông nghiệp khác như nghiên cứu, sản xuất hạt giống, tham gia vào chuỗi giá trị lương thực như lúa gạo, cà phê và đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành nông nghiệp.
Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn là cổ đông cá nhân nắm giữ nhiều cổ phiếu LTG nhất với 3,17 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 3,16% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, Lộc Trời còn có 3 cổ đông lớn là Marina Viet Pte. Ltd (25,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 25,21%), UBND tỉnh An Giang (24,3 triệu cổ phiếu, chiếm 24,15%) và Augusta Viet Pte. Ltd (5,7 triệu cổ phiếu, chiếm 5,71%).
Theo báo cáo thường niên năm 2023, Lộc Trời có khoảng 6.279 cổ đông tính tới ngày cuối năm. Trong đó, các cổ đông nước ngoài chiếm hơn 42% cổ phần.
Đến quý 1 năm nay, doanh thu thuần của Lộc Trời vẫn đạt trên 3.800 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ, tuy nhiên, tập đoàn báo lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng.
Đến nay, đã kết thúc quý tài chính thứ 3 trong năm, Lộc Trời vẫn chưa công bố báo cáo tài chính tự lập quý 2 cũng như báo cáo soát xét bán niên 2024.
(Tổng hợp)
Nguồn: https://cafef.vn/toan-canh-bien-dong-tai-loc-troi-chu-tich-noi-cong-ty-co-noi-gian-cuu-ceo-bi-cho-la-gay-that-thoat-tai-san-188241011192758969.chn