Trong quá trình xét xử vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan đã “liệt kê” các quan hệ vay – mượn, đối với nhiều cá nhân, tổ chức. Bị cáo cho rằng các khoản tiền này cần được thu hồi để đảm bảo nghĩa vụ khắc phục hậu quả vụ án.
Ngày 4-10, tại phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 33 đồng phạm, đại diện VKSND TP HCM đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án cho từng bị cáo.
Đề nghị mức án chung thân
Theo đó, bị cáo Lan bị đề nghị tuyên phạt mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 8-9 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; 12-13 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hợp mức hình phạt là chung thân.
Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, đại diện cơ quan thực hành quyền công tố đề nghị HĐXX buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hậu quả vụ án với tổng số tiền hơn 30.000 tỉ đồng.
Đây được xác định là số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt của hơn 35.000 bị hại là những người đầu tư trái phiếu “khống” trong vụ án này.
Từ quan điểm này, đại diện VKSND TP HCM đã đưa ra những đề nghị liên quan việc xem xét, áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi tài sản, đảm bảo việc thi hành án.
Để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Lan, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên giữ nguyên sự tự nguyện khắc phục hậu quả vụ án, tịch thu hơn 1.749 tỉ đồng mà các bị cáo khác trong vụ án đã tự nguyện nộp khắc phục để khấu trừ nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Lan.
Bên cạnh đó, VKS đề nghị tịch thu tài sản, đồ vật đối với các bị cáo liên quan hành vi phạm tội; hoàn trả tài sản cho những người không liên quan hành vi phạm tội; tịch thu, tiếp tục kê biên, phong toả bất động sản, tài khoản, cổ phần, cổ phiếu của bị cáo Trương Mỹ Lan; gỡ bỏ các biện pháp kê biên, phong toả cổ phần, tài khoản bất động sản đối với các bị cáo không phải chịu nghĩa vụ bồi thường trong vụ án.
Cũng theo VKS, các phụ lục thống kê tài sản kèm theo kết luận điều tra số 13 ngày 29-5-2024 của Bộ Công an được xác định là các quan hệ dân sự.
Đối với các quan hệ dân sự còn lại này, đại diện cơ quan thực hành quyền công tố đề nghị HĐXX giải quyết theo quy định của pháp luật, sao cho đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo.
VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét, sử dụng toàn bộ số tiền, tài sản tiền thu hồi từ vụ án, cùng với số tiền đã thu hồi được trong bản án sơ thẩm giai đoạn 1, sẽ được sử dụng để khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Nhiều “khoản nợ” được liệt kê
Trong quá trình xét xử vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan đã “liệt kê” các quan hệ vay – mượn, đối với nhiều cá nhân, tổ chức. Bị cáo cho rằng các khoản tiền này cần được thu hồi để đảm bảo nghĩa vụ khắc phục hậu quả vụ án.
Điển hình, đối với dự án Tân Thành Long An, bị cáo Lan đề nghị Novaland thanh toán 2.500 tỉ đồng bằng tiền mặt cho bị cáo liên quan đến dự án Tân Thành Long An để khắc phục hậu quả của vụ án.
Đối với việc đại diện Tập đoàn Bitexco thừa nhận có nhận 15.712 tỉ đồng từ bị cáo Trương Mỹ Lan để thực hiện dự án tại khu tứ giác Bến Thành (quận 1), bị cáo Lan nói rằng giữa họ chỉ thoả thuận miệng về việc định giá dự án là 22.000 tỉ đồng. Bị cáo chỉ có quan hệ vay-mượn với Bitexco số tiền 7.000 tỉ đồng, mà bị cáo cho vay từ 7 năm trước.
Bị cáo đề nghị giải toả đối với dự án của Bitexco để đơn vị phát triển được tiếp tục thực hiện dự án tại khu tứ giác Bến Thành và trả cho bị cáo 7.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án này.
Liên quan dự án khu đô thị Sing Việt (huyện Bình Chánh), bị cáo Lan khai nhận hiện nay nhóm công ty của bị cáo tại Singapore đã ủy quyền cho Công ty cổ phần Tập đoàn TTD Captical tham gia điều hành dự án và sẽ nộp khắc phục 147 triệu USD để khắc phục hậu quả của vụ án. Bị cáo đề nghị HĐXX chấp thuận nội dung này.
Cũng theo lời khai của bị cáo Lan, Công ty CP Lavifood còn có “món nợ” 500 tỉ đồng với bị cáo.
Nguồn: https://cafef.vn/quan-diem-cua-vksnd-tp-hcm-ve-loat-no-cua-bitexco-novaland-ma-ba-truong-my-lan-da-liet-ke-18824100413245916.chn