Theo tính toán của đội ngũ VinaCapital, nếu được xem xét nâng hạng của cả 2 tổ chức FTSE Russell và MSCI, lượng vốn có thể hút ròng lên tới 5 đến 8 tỷ USD.
Xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn triền miên trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài đang có tháng thứ 9 liên tiếp bán ròng trên HoSE với tổng giá trị luỹ kế từ đầu năm đến nay lên đến 67.000 tỷ đồng (~ 2,7 tỷ USD), xác lập một kỷ lục mới.
Động thái “xả hàng” vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và không loại trừ khả năng sẽ sớm triệt tiêu hoàn toàn đà mua ròng xuyên suốt hơn 2 thập kỷ qua. Luỹ kế từ khi TTCK Việt Nam hoạt động năm 2000 đến nay, giá trị mua ròng của khối ngoại chỉ còn hơn 1.600 tỷ đồng (theo thống kê HoSE, chỉ tính giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn). Đây là con số rất khiêm tốn so với quy mô vốn hóa hơn 5 triệu tỷ và thanh khoản khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên trên HoSE.
Hàng tỷ USD cổ phiếu bị bán ra ròng rã trong một thời gian dài khiến nhiều người tự đặt ra câu hỏi phải chăng chứng khoán Việt Nam đã mất đi sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại. Trao đổi trong tập 6 của talk show The Investors do CafeF và VPBank Securities phối hợp tổ chức, bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán VinaCapital tự tin khẳng định nhà đầu tư nước ngoài luôn yêu thích câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam vì điều này quá rõ ràng. Nền kinh tế cơ bản nước ta có thể sẽ duy trì được mức tăng trưởng khoảng 6% – 7% trong 5 hay thậm chí 10 năm tới nhờ nền tảng nguồn lực tốt, kết cấu dân số vàng với lực lượng lao động chiếm tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, nữ lãnh đạo VinaCapital cho rằng khối ngoại dù lạc quan nhưng vẫn trăn trở làm thế nào để tiếp cận được vào thị trường chứng khoán nước ta, khi mà thị trường chưa được nâng hạng cũng như chưa thỏa mãn một số tiêu chí liên quan tới xếp hạng môi trường đầu tư.
“Một khi Việt Nam từng bước đạt được những cột mốc mới như nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, cải thiện xếp hạng môi trường đầu tư thì sẽ có uy tín hơn trong mắt giới đầu tư”, bà Nguyễn Hoài Thu cho hay.
Thực tế, cụm từ “nâng hạng” đã được nhắc đi nhắc lại với tần suất liên tục, đặc biệt sau khi Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 của Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể về việc phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Nhiều thông tư, quy định đã được ban hành nhằm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn đến các yêu cầu của tổ chức xếp hạng. UBCKNN đã tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, quyết liệt triển khai các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí nâng hạng. Gần nhất, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC vào ngày 18/9/2024, đưa ra các sửa đổi đối với nhiều quy định. Thông tư này loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước đối với nhà đầu tư quốc tế, bằng cách cập nhật các quy định về giao dịch chứng khoán, thanh toán bù trừ giao dịch, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin.
Những nỗ lực, giải pháp đề ra của cơ quan quản lý đã được các tổ chức quốc tế, thành viên thị trường… đánh giá tích cực. Trong trường hợp được nâng hạng, Việt Nam đang có tỷ trọng lên tới 28% trong rổ cận biên sẽ chuyển qua nhóm mới nổi và tỷ trọng có thể chỉ dưới 1%. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc dòng vốn bán ra sẽ mạnh hơn mua vào. Theo tính toán của đội ngũ VinaCapital, nếu được xem xét nâng hạng của cả 2 tổ chức FTSE Russell và MSCI, lượng vốn có thể hút ròng lên tới 5 đến 8 tỷ USD.
Trong đó, nếu những quy định của MSCI vẫn còn nhiều khó khăn và cần thêm thời gian để đáp ứng, thì gần nhất, giới đầu tư chứng khoán đang kỳ vọng vào việc Việt Nam sẽ được FTSE Russell xem xét nâng hạng thị trường trong năm 2025, kéo theo dòng vốn khoảng 1 tỷ USD sẽ chảy vào thị trường thông qua các quỹ chỉ số chuyên đầu tư vào nhóm thị trường mới nổi của FTSE Russell.
Tại báo cáo xếp hạng thị trường gần nhất vào tháng 10/2024, FTSE Russell ghi nhận sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ Việt Nam đối với các cải cách thị trường, cho rằng thông báo quan trọng tiếp theo sẽ là việc Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) công bố các quy tắc hoạt động chi tiết hơn. Đồng thời, tổ chức xếp hạng này cũng khuyến khích các cuộc trao đổi giữa các đơn vị Việt Nam và cộng đồng đầu tư quốc tế, nhằm đảm bảo các quy tắc này đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.
Nhìn sang các quốc gia khác đã đi qua giai đoạn này, dòng vốn ngoại thường sẽ “đi trước một bước” so với thời điểm chính thức nâng hạng và thúc đẩy thị trường chứng khoán bật tăng mạnh. Điển hình như TTCK Qatar tăng hơn 45% từ (T9/2013-T9/2014), Saudi Arabia tăng hơn 23% (T3/2017-T3/2018), Romania tăng hơn 18% từ (T9/2018-T9/2019). Do đó, kỳ vọng nâng hạng trong năm sau sẽ giúp Việt Nam ngay từ bây giờ có thể thu hút thêm nhiều quỹ đầu tư rót vốn vào cổ phiếu nhằm “đón sóng” nâng hạng.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, nâng hạng thị trường chứng khoán là bước mang tính bản lề đối với nền kinh tế của Việt Nam, không chỉ giúp dòng tiền đổ vào thị trường mà còn giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động vốn từ thị trường quốc tế hơn. Tiến trình nâng hạng cũng đưa tới nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, qua đó cân bằng với lực lượng nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ trọng tới 90% thị trường.
Nguồn: https://cafef.vn/nang-hang-thi-truong-chung-khoan-buoc-ban-le-cua-nen-kinh-te-viet-nam-giup-thu-hut-hang-ty-usd-von-dau-tu-nuoc-ngoai-188241023223710126.chn