Tính từ đầu tháng 5, thị giá cổ phiếu này tăng mạnh gần 260% sau hơn nửa năm.
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12/2024 xuất hiện “điểm sáng” từ cổ phiếu DHT của Dược phẩm Hà Tây. Thị giá DHT nhanh chóng được đẩy lên mức giá trần, qua đó dừng ở mức 99.500 đồng/cp, lập đỉnh lịch sử. Đáng nói, cổ phiếu ngành dược này đã liên tiếp lập kỷ lục về giá trong 3 phiên giao dịch liên tiếp.
Tính từ đầu tháng 5, thị giá DHT tăng tốc tới gần 260%, trở thành cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong ngành, thậm chí nằm top cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán sau hơn nửa năm. Vốn hóa theo đó được kéo lên gần 8.200 tỷ đồng, P/E đạt mức gần 89 lần.
Cổ đông chiến lược từ Nhật Bản liên tục mua “gom”
Đà tăng bất ngờ của cổ phiếu đến sau động thái liên tục “gom” hàng của cổ đông chiến lược ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản). Hiện tại, cổ đông này đang nắm giữ hơn 29,3 triệu cổ phiếu DHT, tương ứng tỷ lệ 35,61% vốn cổ phần sau khi mua vào 500 nghìn cổ phiếu từ ngày 20/11 đến 26/11.
Trong thông báo mới nhất, ASKA Pharmaceutical tiếp tục đăng ký mua thêm gần 2,2 triệu cổ phiếu DHT để tăng sở hữu, thời gian giao dịch dự kiến từ 3/12 đến hết 31/12/2024. Nếu thành công, ASKA Pharmaceutical có thể nâng sở hữu lên hơn 38% tại công ty dược này. Chiếu theo mức giá hiện tại, ước tính giá trị giao dịch rơi vào khoảng 220 tỷ đồng.
Được biết, ASKA là hãng dược có tuổi đời hơn 100 tuổi, trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản. Ngành nghề kinh doanh chính của ASKA là sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế… Trong mảng dược phẩm, công ty chuyên về các sản phẩm nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu.
Trước đó, năm 2021, ASKA đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Dược Hà Tây khi mua gần 5,3 triệu cổ phần phát hành mới với mức giá 70.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18% thị giá cổ phiếu DHT khi đó. Thời điểm này, ASKA nắm 24,9% vốn điều lệ của Dược Hà Tây (6,6 triệu cổ phiếu) và là cổ đông lớn nhất tại công ty dược này.
Sau đợt chia cổ phiếu thưởng hồi tháng 6/2023 và chào bán cổ phiếu riêng lẻ hồi tháng 12 cùng năm, lượng cổ phiếu của ASAKA nắm giữ tăng lên mức gần 27 triệu đơn vị (~ 32,56%). Từ đầu năm tới nay, cổ đông chiến lược này cũng tiếp tục mua gom lượng lớn cổ phiếu để nâng sở hữu lên như hiện tại.
Kết quả kinh doanh không quá nổi bật
Bên cạnh đó, cổ phiếu Dược Hà Tây tăng mạnh trong thời gian đần đây sau khi một số điều luật dược được sửa đổi. Theo đó, ngày 21/11, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Luật Dược sửa đổi) với 7 nhóm điểm mới cơ bản.
Dù cổ phiếu tăng mạnh, song kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng không quá nổi bật trong ngành. Điển hình, năm 2023, Dược Hà Tây ghi nhận lãi trước thuế 110 tỷ đồng.
Trong quý 3/2024, Dược phẩm Hà Tây ghi nhận doanh thu thuần đạt 544 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng 2024, doanh thu của Dược phẩm Hà Tây tăng nhẹ từ 1.525 tỷ lên 1.544 tỷ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 55 tỷ, giảm 24% so với cùng kỳ, chủ yếu do các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành gần 87% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Nguồn: https://cafef.vn/mot-co-phieu-duoc-tang-vun-vut-len-dinh-lich-su-co-dong-lon-nhat-ban-lien-tuc-nang-so-huu-188241202230917961.chn