“Theo dự báo của Chính phủ, năm 2025 sẽ có hơn một nửa trong số 100 triệu người Việt Nam sẽ tham gia mua sắm trực tuyến (online), thị trường giấy bao bì cho thấy còn nhiều dư địa phát triển.”
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, TMĐT ước đạt quy mô trên 30 tỷ USD trong năm nay, dự kiến năm 2025 sẽ đạt gần 40 tỷ USD.
Sự phát triển nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiktok shop,… góp phần thúc đẩy hoạt động này ngày càng sôi động.
Hoạt động thương mại điện tử phát triển kéo theo nhu cầu về bao bì, hộp đựng sản phẩm tăng mạnh. Trên sàn chứng khoán, một doanh nghiệp với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất giấy bao bì carton được dự báo hưởng lợi lớn là CTCP Đông Hải Bến Tre (mã: DHC).
Theo tìm hiểu, Đông Hải Bến Tre tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hóa vào năm 2003. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là sản xuất các loại giấy cuộn công nghiệp (Kraft, Texlinner, Medeum), sản xuất bao bì carton. Doanh nghiệp thuộc nhóm các doanh nghiệp sản xuất giấy hàng đầu nội địa và sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Biên lợi nhuận gộp dự báo cải thiện
Báo cáo mới cập nhật của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo rằng giá giấy đầu vào ổn định trong khi giá bán đầu ra tăng giúp cải thiện biên lợi nhuận của DHC.
Theo nhóm phân tích, DHC có thể kiểm soát giá vốn tốt hơn nhờ chi phí nguyên vật liệu đầu vào ổn định. Giá giấy thu hồi (OCC) trung bình nhập khẩu khu vực Đông Nam Á đi ngang trong quý 3/2024.
Tại thời điểm 30/9/2024, DHC hiện ghi nhận 195,3 tỷ tồn kho nguyên vật liệu và 72 tỷ tồn kho thành thẩm. Tỷ trọng giấy tái chế DHC nhập từ thị trường Mỹ & châu Âu chiếm gần 60% tổng giá trị nguyên vật liệu nên cước phí vận tải tác động đáng kể tới chi phí của DHC.
Việc giá cước vận tải biển đã hạ nhiệt đáng kể sau khi tạo đỉnh vào tháng 7/2024 cũng là yếu tố tác động giúp giảm chi phí của DHC.
Đồng thời, giá bán ra có dấu hiệu phục hồi, hỗ trợ cải thiện chênh lệch giữa giá giấy và giá OCC (đầu vào). KBSV kỳ vọng giá giấy bán ra sẽ phục hồi chậm nhờ đà phục hồi trong hoạt động thương mại và tiêu dùng trong nước, đặc biệt là thời điểm cuối năm cận Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, giá bán còn được hỗ trợ bởi sự phục hồi của tiêu dùng và nhu cầu tiêu thụ giấy. Theo VPPA, nhu cầu tiêu thụ Giấy bao bì cho thấy tăng trưởng.
Tổng lượng tiêu dùng đạt hơn 3,86 triệu tấn và tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2024. Tăng trưởng tiêu thụ giấy bao bì chủ yếu là nhờ các mặt hàng có nhu cầu sử dụng bao bì giấy nhiều lại chính là các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm như: máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ…
Thị trường bao bì giấy còn nhiều dư địa phát triển trong dài hạn
Ngoài biên lợi nhuận kỳ vọng cải thiện, nhóm phân tích KBSV còn đánh giá khả quan nhờ nhu cầu tiêu thụ giấy bao bì tiêu dùng và hoạt động xuất khẩu hồi phục trong năm 2025 và cả dài hạn.
Trong dài hạn, thị trường giấy bao bì cho thấy còn nhiều dư địa phát triển. Theo báo cáo từ tổ chức Nghiên cứu Thị trường Mordor Intelligence Inc., quy mô của thị trường bao bì giấy tại Việt Nam sẽ đạt 4,14 tỷ USD vào năm 2029 với mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 9,73% trong giai đoạn 2024-2029.
Thêm nữa, hoạt động thương mại điện tử gia tăng, mô hình mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến cũng ủng hộ kịch bản tích cực cho doanh nghiệp. Theo dự báo của Chính phủ, năm 2025 sẽ có hơn một nửa trong số 100 triệu người Việt Nam sẽ tham gia mua sắm trực tuyến (online). Bao bì sẽ đóng vai trò quan trọng trong khâu đóng gói và thu hút khác hàng.
Xu hướng tiến tới phát triển bền vững. Chiến dịch “Race to Net Zero” – giảm phát thải ròng bằng 0 xuyên suốt đến năm 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Lĩnh vực sản xuất bao bì thân thiện với môi trường đang dần trở nên quan trọng trong quy trình đóng gói, đặc biệt là ngành thực phẩm và đồ uống. Vì vậy nhu cầu với việc chuyển đổi sang sử dụng bao bì giấy kỳ vọng sẽ cải thiện.
Động lực lớn từ nhà máy Giao Long 3
Mặt khác, DHC đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư cho nhà máy sản xuất bao bì thứ 3 của công ty (NM Giao Long 3) tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024. Khi nhà máy mới đi vào hoạt động, công suất dự kiến tăng hơn 110% và giúp doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, biên lợi nhuận tốt hơn.
Nhà máy Giao Long 3 sẽ sản xuất dòng sản phẩm mới là Kraftliner. Với dòng sản phẩm mới này, NM Giao Long 3 sẽ cần bổ sung dây chuyền máy móc hiện đại, nhiều thiết bị hơn để xuất giấy từ bột giấy nguyên sinh. Vì vậy, suất đầu tư dự kiến của NM Giao Long 3 cũng cao hơn so với NM Giao Long 2.
Tuy nhiên, giấy Kraftliner cũng là sản phẩm giấy bao bì cũng có giá bán với tỷ suất lợi nhuận cao hơn (ước tính hơn khoảng 30% các dòng sản phẩm hiện tại của DHC). Kraftliner có độ bền cao, chống rách, chịu lực tốt, khả năng chống ẩm và bề mặt mịn hơn giúp cải thiện chất lượng in, được ứng dụng làm lớp ngoài cùng của thùng carton và hộp giấy. Sản phẩm này nhắm đáp ứng nhu cầu của thị
trường đối với các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, đòi hỏi bao bì cao cấp như thiết bị điện tử, dược phẩm, linh kiện ô tô…
Nguồn: https://cafef.vn/huong-loi-nho-thuong-mai-dien-tu-mua-sam-truc-tuyen-bung-no-mot-doanh-nghiep-niem-yet-tren-san-duoc-du-bao-nhieu-du-dia-tang-truong-dai-han-188241220221658486.chn