Liên tục thua lỗ khiến lỗ lũy kế tính đến cuối quý II/2024 của Đầu tư Sao Thái Dương ở mức 299,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu Đầu tư Sao Thái Dương vào diện cảnh báo
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây đã có quyết định đưa cổ phiếu SJF của Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương vào diện chứng khoán bị cảnh báo kể từ ngày 24/9/2024.
Nguyên nhân do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc diện chứng khoán bị cảnh báo theo quy định của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng Khoán Việt Nam.
Đồng thời, cổ phiếu SJF vẫn thuộc diện đình chỉ giao dịch theo Quyết định số 726 được ban hành ngày 6/11/2023 do vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Cổ phiếu SJF cũng đang bị kiểm soát theo theo Quyết định số 217 được ban hành ngày 16/4/2024 do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 và 2023).
Kiểm soát theo theo Quyết định số 218 được ban hành ngày 16/4/2024 do Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 và 2023 là số âm.
Cảnh báo theo Quyết định số 219 được ban hành ngày 16/4/2024 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 là số âm.
Trước đó, hồi đầu tháng 9/2024, HoSE đã có văn bản số 1370/SGDHCM-NY gửi SJF nhắc nhở chậm công bố thông tin BCTC riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2024. HoSE cũng đề nghị doanh nghiệp khẩn trương công bố thông tin theo đúng quy định.
Không chỉ cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, Đầu tư Sao Thái Dương còn có tên trong Danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng HXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP.Hà Nội tháng 8/2024 của BHXH TP.Hà Nội (số liệu tính đến hết 31/8/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/9/2024).
Theo danh sách này, SJF chậm đóng 2 tháng bảo hiểm với số tiền nợ hơn 18,7 triệu đồng.
Lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2024, trong kỳ, Sao Thái Dương báo doanh thu thuần ở mức gần 13,5 tỷ đồng, giảm khoảng 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn bán hàng là 13,54 tỷ đồng; kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp lỗ gộp gần 50 triệu đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm từ gần 4,4 tỷ đồng về còn 3,4 tỷ đồng; tuy nhiên chi phí tài chính lại tăng vọt từ 784 triệu đồng lên gần 6,1 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp đáng kể với 704 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ở mức 31,4 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản thuế phí, doanh nghiệp lỗ ròng gần 3,5 tỷ đồng trong quý II/2024. Tuy nhiên, con số này đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 27,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Đầu tư Sao Thái Dương ở mức 28,2 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 6 tỷ đồng.
Tính đến đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức 609 tỷ đồng, tăng 24 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả ở mức 116,5 tỷ đồng và toàn bộ là nợ ngắn hạn. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 90,2 tỷ đồng, tăng gần 18,4% so với thời điểm đầu năm.
Liên tục thua lỗ khiến lỗ lũy kế tính đến cuối quý II/2024 của Đầu tư Sao Thái Dương ở mức 299,5 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ đồng so với số đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ hơn 6 tỷ đồng về còn 492,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2024, doanh nghiệp đầu tư hơn 566 tỷ đồng vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết, đơn vị khác, gồm: Công ty CP BWG Mai Châu (270 tỷ đồng); Công ty CP Sunstar Ecotech Việt Nam (148,8 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tona (147 tỷ đồng) và Công ty CP Jarcel Việt Nam (gần 200 triệu đồng).
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng lên tới hơn 323,8 tỷ đồng, tăng 3,3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, SJF trích lập dự phòng 100% đối với khoản đầu tư tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tona.
Đáng chú ý, trước đó, tại BCTC riêng đã kiểm toán năm 2023 của SJF, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Xây dựng Tona (số tiền 147 tỷ đồng). Tại thời điểm lập báo cáo, phía doanh nghiệp đã thực hiện đánh giá và cho rằng khoản đầu tư này khó có khả năng thu được lợi ích kinh tế trong tương lại. Công ty đã trích lập dự phòng 100% giá trị khoản đầu tư (tại thời điểm cuối năm 2022 công ty chưa trích lập dự phòng giả giá khoản đầu tư này).
Tuy nhiên, phía đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp đẻ đánh giá được mức trích lập dự phòng của khoản đầu tư này có hợp lý hay không cũng như ảnh hưởng của chúng tới các chỉ tiêu khác.
Nguồn: https://cafef.vn/dau-tu-sao-thai-duong-no-bao-hiem-lo-luy-ke-gan-300-ty-dong-18824092010024618.chn