Nhóm phân tích lựa chọn những doanh nghiệp đầu ngành, định giá đang ở vùng hợp lý, kỳ vọng KQKD Q4/2024 và cả năm 2024 tăng trưởng tích cực.
VN-Index đóng cửa kết thúc tháng 11 tại 1.250 điểm, giảm 1,11% nhưng đã tăng 1,82% trong tuần giao dịch cuối tháng.
Bước sang tháng 12, Agriseco Research đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 4 sẽ cao hơn so với các quý trước nhờ các chính sách tài khóa, tiền tệ và kích cầu tiêu dùng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Cùng với đó, NHNN mới có quyết định điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế tháng cuối năm.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang hạ nhiệt và khối ngoại có dấu hiệu ngừng bán ròng, Agriseco cho rằng đây là giai đoạn phù hợp để giải ngân trở lại sau khi thị trường tạo đáy ngắn hạn trong tháng 11 và P/E hiện tại của VN-Index ở mức 13,0x lần, tương đối hấp dẫn khi thấp hơn so với trung bình 5 năm vừa qua.
Theo đó, nhóm phân tích lựa chọn những doanh nghiệp đầu ngành, định giá đang ở vùng hợp lý, kỳ vọng KQKD Q4/2024 và cả năm 2024 tăng trưởng tích cực để xây dựng danh mục đầu tư tháng 12/2024.
Trong nhóm công nghệ, Agriseco tin rằng Tập đoàn FPT (mã: FPT) có triển vọng tốt nhờ lợi nhuận theo tháng của FPT tiếp tục tăng, tháng 10/2024 ghi nhận mức cao nhất trong 5 năm gần đây nhờ động lực chính từ mảng công nghệ. FPT đã ký kết được hợp đồng chuyển đổi số có giá trị cao nhất từ trước đến nay trị giá 225 triệu USD với khách hàng Mỹ trong T10/2024.
Triển vọng dài hạn của FPT đến từ chất bán dẫn, AI nhờ việc FPT đã chính thức cùng Nvidia ra mắt nhà máy AI cung cấp dịch vụ AI, Cloud tại Việt Nam và Nhật Bản. Agriseco Research kỳ vọng triển vọng dài hạn của FPT khả quan với động lực thúc đẩy từ mảng dịch vụ công nghệ nước ngoài.
Hơn nữa, FPT có tiềm lực tài chính tốt, duy trì chính sách cổ tức đều đặn. FPT cũng chuẩn bị chi trả cổ tức tiền mặt 2024 tỷ lệ 10% vào tháng 12 tới. Agriseco Research đánh giá FPT vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn với định hướng phát triển AI – chất bán dẫn – phần mềm ô-tô.
Song song, CTCP Gemadept (mã: GMD) được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 16% so với cùng kỳ và tiếp tục kỳ vọng cải thiện mạnh mẽ giai đoạn cuối năm nhờ các thị trường xuất khẩu chính có tín hiệu khả quan và lượng hàng tồn kho đã giảm xuống mức thấp.
Sản lượng container qua các cảng của Gemadept trong 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực, trong đó cảng Gemalink của GMD đạt 1,3 triệu TEUs, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2023.
Vừa qua, GMD đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm huy động thêm 3.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để triển khai dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 từ cuối năm 2024, sau khi hoàn thành sẽ đưa công suất lên thành 1,65 triệu TEUs/năm (+65% so với trước đó). Dự án cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2025 giúp tăng công suất lên thành 2,4 triệu TEUs/năm (+60% so với giai đoạn 1).
Một doanh nghiệp khác cũng được Agriseco dự báo đầy triển vọng là Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) , động lực chính từ thép xây dựng trong nước. Nhóm phân tích kỳ vọng các luật Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ thẩm thấu vào nền kinh tế và thúc đẩy nguồn cung, đồng thời việc Chính phủ đẩy mạnh xây dựng công trình giao thông trọng điểm cuối năm giúp tăng nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước.
Hòa Phát cũng được dự báo hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. Biên lợi nhuận gộp quý 3/2024 đạt 14%, cải thiện so với nửa đầu năm nhờ giá than cốc và quặng sắt đã giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn yếu. Trong khi đó, giá thép nội địa chỉ giảm 3% nhờ nhu cầu thép nội địa tích cực. Cùng với việc linh hoạt dự trữ hàng tồn kho, kỳ vọng biên lợi nhuận của HPG sẽ tiếp tục cải thiện trong các quý tới.
Với triển vọng từ dự án khu liên hợp dung quất 2 dự kiến đóng góp doanh thu từ năm 2025 với công suất là 1,4 triệu tấn HRC/năm, Agriseco Research đánh giá mức giá hiện tại là phù hợp để nắm giữ dài hạn đối với cổ phiếu HPG.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, Nhà Khang Điền (mã: KDH) là cái tên được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý 4 khởi sắc nhờ bàn giao dự án bất động sản.
Tình hình tài chính của KDH khá an toàn, khi lượng tiền mặt ròng vẫn duy trì 3.315 tỷ đồng, tỷ lệ nợ trên vốn chủ quanh 0,4x sau quá trình tăng vốn. Các chuyên viên phân tích kỳ vọng hai dự án hợp tác với Keppel là Emeria và Clarita chuẩn bị đưa vào kinh doanh cuối 2024 – 2025 sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, giúp duy trì dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặt khác, Nhà Khang Điền sở hữu quỹ đất trên 600ha tại khu vực phía Đông TP. HCM. Tính tới thời điểm 30/9, hàng tồn kho đạt 22.450 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm tại các dự án KDC Tân Tạo, Emeria, Clarita, Solina, Green Village, Phong Phú 2, cụm CN Bình Trưng. Đây đều là các dự án có tiềm năng tăng giá, dự kiến sẽ giúp thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho KDH.
Cơ điện lạnh (mã: REE) được dự báo có triển vọng tăng trưởng tốt nhờ mảng thủy điện. Theo Bộ Công thương, nhu cầu điện trong năm 2025 dự báo ở mức cao với kịch bản cơ sở tăng trưởng điện đạt 11-12%. Mảng thuỷ điện của REE sẽ được huy động nhiều hơn nhờ xác suất cao xảy ra La Nina vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Ngoài ra, hai nhà máy thuỷ điện Trà Khúc 2 và nhà máy điện gió Duyên Hải được REE mua lại trong năm 2024 với tổng công suất là 78MW dự kiến sẽ đóng góp doanh thu từ năm 2026.
Ngoài ra, mảng cơ điện lạnh được đảm bảo với khối lượng backlog lớn. Tính đến hết quý 3/2024, tổng giá trị hợp đồng ký mới luỹ kế của REE đạt 3.092 tỷ đồng, tăng 16% so với doanh thu cả năm 2023 nhờ trúng thầu các hợp đồng từ dự án sân bay Long Thành. Với kỳ vọng thị trường bất động sản sôi động hơn từ cuối năm 2024 và Chính phủ đẩy mạnh triển khai các dự án xây dựng trọng điểm, mảng cơ điện lạnh sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Cuối cùng, trong nhóm ngân hàng, Agriseco cho biết Vietcombank (mã: VCB) có chất lượng tài sản an toàn đứng đầu hệ thống. Tính đến ngày 30/09/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của VCB là 1,22% – thấp nhất toàn ngành ngân hàng và bộ đệm dự phòng nợ xấu (LLR) duy trì ổn định trên 200%.
Chiều ngày 30/11, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước (20.695 tỷ đồng) nhằm tăng vốn cho VCB lên 83.591 tỷ đồng thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại tích luỹ trong giai đoạn 2018-2021 là 27.700 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ khoảng 49,6%.
Ngoài ra, kế hoạch bổ sung vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022, 2023 theo quy định (ước tính 45.900 tỷ đồng) của VCB kỳ vọng sớm được chấp thuận trong thời gian tới, qua đó tạo hiệu ứng tích cực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Nguồn: https://cafef.vn/cong-ty-chung-khoan-goi-ten-loat-co-phieu-dau-nganh-co-dinh-gia-hap-dan-loi-nhuan-quy-4-du-kien-tang-manh-188241204142457597.chn