Chứng khoán Việt Nam bất ngờ giảm điểm sau khi công bố số liệu GDP tích cực

Thậm chí, VN-Index trở thành chỉ số hiếm hoi giảm điểm trên thị trường chứng khoán Châu Á, biến động ngược chiều so với phần lớn các thị trường còn lại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch kém sắc khi bất ngờ giảm điểm vào phiên chiều. Bất chấp nỗ lực kéo điểm đầu phiên, áp lực bán đè nặng trên diện rộng khiến hầu hết các nhóm cổ phiếu “quay xe” giảm điểm. Điểm sáng thị trường thuộc về nhóm chứng khoán khi sắc xanh vẫn áp đảo, trong khi đó, nhóm ngân hàng hay bất động sản chứng kiến sự phân hóa rõ rệt.

Đóng cửa phiên 7/10, VN-Index điểm 0,67 điểm (-0,05%) xuống 1.269,93 điểm, đánh dấu chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp kể từ lần gần nhất chạm mốc 1.300 điểm (phiên 1/10).

Không chỉ ảm đạm về mặt điểm số, thanh khoản trên HoSE cũng “tụt” về mức thấp với giá trị khớp lệnh đạt vỏn vẹn 10.741 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại lại là điểm trừ khi tiếp đà bán ròng gần 340 tỷ đồng trên HoSE trong phiên hôm nay.

Nhìn rộng ra, VN-Index trở thành chỉ số hiếm hoi giảm điểm trên thị trường chứng khoán Châu Á, biến động ngược chiều so với phần lớn các thị trường còn lại. Hầu hết các thị trường phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… lại chứng kiến sắc xanh khởi sắc.

Chứng khoán Việt Nam bất ngờ giảm điểm sau khi công bố số liệu GDP tích cực- Ảnh 1.

Phiên giảm điểm có phần bất ngờ diễn ra sau khi số liệu kinh tế quý 3/2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy những con số ấn tượng.

Theo đó, GDP quý 3/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.  GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng Chín tăng 2,18% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%. CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung chín tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%. Dù còn nhiều thách thức trong quý IV nhưng số liệu nhìn chung là tích cực.

Về cơ bản, GDP là số liệu quá khứ còn chứng khoán lại phản ánh kỳ vọng trong tương lai, do đó, sự lệch pha là khó tránh khỏi.

Mặt khác, bất chấp thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực trong tháng 9 song chứng khoán liên tục gặp áp lực cản mạnh tại ngưỡng 1.300 điểm. Nhiều lần thất bại trong việc chinh phục mốc điểm này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Trong tháng 9 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm cơ bản, qua đó phát tín hiệu cho một chu kỳ chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Đánh giá về động thái này, Dragon Capital cho rằng, đây sẽ là yếu tố giúp giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái, tạo tiền đề cho lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam ổn định hơn.

Trong một động thái tương tự, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mới đây đã công bố các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế có quy mô lớn nhất từ đại dịch Covid 19 tới nay. Trong đó, các nhóm giải pháp bao gồm (1) Nới lỏng chính sách tiền tệ; (2) Tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường nhà ở; (3) Hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Mặc dù tâm lý thị trường đang khá ảm đạm khi thanh khoản thị trường kém cộng thêm đà tăng phân hoá mạnh, song ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC vẫn khuyên nhà đầu tư nên kiên nhẫn và lạc quan. Bởi đôi lúc thời điểm tâm lý chán nản như vậy lại là cơ hội tích lũy cổ phiếu.

Tôi vẫn cho rằng nhà đầu tư hiện tại nên giữ cân đối tiền/hàng để luôn có thể linh động. Việc giữ khoảng 60% cổ phiếu lúc này là phù hợp và hoàn toàn có thể gia tăng khi thị trường giảm sâu. Một cách nói vui thì nhà đầu tư nên quên 1.300 điểm đi và tập trung vào danh mục của mình”, chuyên gia DSC cho biết.

Về chiến lược đầu tư, chuyên gia DSC cho rằng khi tiền không đủ khỏe, khả năng sẽ có sự luân chuyển dòng dẫn dắt. Ngoài những nhóm ngành có KQKD được dự báo tích có câu chuyện riêng cực như Ngân hàng, Chứng khoán, Bán lẻ, Tiêu dùng… Các nhóm được hưởng lợi từ gói kích cầu của nền kinh tế Trung Quốc như Thép, Cao Su cũng nên được lưu tâm.

Nguồn: https://cafef.vn/chung-khoan-viet-nam-bat-ngo-giam-diem-sau-khi-cong-bo-so-lieu-gdp-tich-cuc-188241007154209218.chn

    [submission_id id-lien-he]