Chứng khoán KIS: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với dòng FDI

Các chính sách được triển khai dưới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI toàn cầu. Tuy nhiên, Chứng khoán KIS cho rằng Việt Nam vẫn duy trì được vị thế như một điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn này nhờ các yếu tố vĩ mô và chính sách thuận lợi.

Vai trò của dòng vốn FDI đối với kinh tế Việt Nam  

Chứng khoán KIS nhận thấy rằng FDI đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như điện tử, máy móc, dệt may và da giày. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đóng góp hơn 72% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyosung và Apple không chỉ mang lại vốn và công nghệ mà còn tạo ra chuỗi cung ứng bền vững, từ đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nội địa.

Samsung là một ví dụ điển hình về tác động tích cực của FDI. Với sáu nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và một trung tâm R&D tại Hà Nội, tập đoàn này đã giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất quan trọng. Năm 2022, Samsung đạt giá trị xuất khẩu 65 tỷ USD, chiếm 8.9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Chứng khoán KIS: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với dòng FDI- Ảnh 1.

Samsung đạt giá trị xuất khẩu 65 tỷ USD, chiếm 8.9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Chứng khoán KIS: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với dòng FDI- Ảnh 2.

Các yếu tố thu hút dòng vốn FDI

Theo Chứng khoán KIS, có bốn yếu tố chính tạo nên lợi thế thu hút FDI của Việt Nam gồm

Ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam duy trì môi trường đầu tư an toàn nhờ kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và quản lý tài chính công hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước đã giữ lạm phát ở mức ổn định trong nhiều năm.

Mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam tham gia hơn 19 FTA, bao gồm CPTPP và EVFTA, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm thuế quan và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các ngành như sản xuất, điện tử và dệt may hưởng lợi lớn từ việc này, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư.

Hệ thống thuế cạnh tranh. Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước ASEAN, đi kèm ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI. Ví dụ, Samsung được hưởng thuế suất ưu đãi 10% từ 2010 đến 2023, và mức thuế mới 15% từ 2024 (theo quy định về Thuế Tối thiểu Toàn cầu (GMT)) vẫn duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Đầu tư công và cơ sở hạ tầng. Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng và logistics. Các dự án lớn như cảng biển và sân bay hiện đại đã cải thiện kết nối nội địa và quốc tế, tạo nền tảng cho sản xuất và thương mại.

Chứng khoán KIS: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với dòng FDI- Ảnh 3.

Thách thức từ các chính sách của ông Trump

Với phương châm “Nước Mỹ trên hết” các chính sách của tân Tổng thống Mỹ hướng đến việc tạo ra việc làm và đưa sản xuất trở về Mỹ. Nếu các chính sách này được triển khai trong nhiệm kỳ tới, chúng có thể tác động lớn đến hoạt động của các công ty đa quốc gia.

Trong quá khứ, các tập đoàn đa quốc gia thường lựa chọn đặt nhà máy tại các quốc gia như Trung Quốc hoặc khu vực Đông Nam Á nhằm tận dụng lợi thế chi phí nhân công thấp, các ưu đãi thuế và chính sách môi trường. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất và gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, Chứng khoán KIS dự báo rằng các chính sách của ông Trump có thể làm giảm lợi thế này thông qua:

Áp thuế nhập khẩu 10% lên tất cả hàng hóa (đặc biệt với hàng hóa Trung Quốc, mức thuế có thể tăng lên 60%).

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ từ 21% xuống 15%.

Cắt giảm chi phí năng lượng bằng cách mở rộng khai thác dầu khí.

Nới lỏng các quy định về môi trường ở Mỹ.

Những chính sách này sẽ khiến lợi thế từ việc đặt nhà máy ở nước ngoài giảm đi đáng kể. Mỹ có thể trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn FDI toàn cầu, nhưng chủ yếu trong các ngành công nghệ cao thâm dụng vốn. Ngược lại, các ngành thâm dụng lao động, vốn phụ thuộc nhiều vào chi phí nhân công, sẽ ít có khả năng chuyển đến Mỹ do chi phí lao động cao làm đội giá sản xuất.

Ngoài ra, việc di dời nhà máy không chỉ đơn thuần là thay đổi địa điểm sản xuất mà còn đi kèm bài toán tái thiết lập chuỗi cung ứng, vốn đã được xây dựng hiệu quả tại Trung Quốc. Do đó, nhiều doanh nghiệp sẽ ưu tiên các quốc gia gần Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro và chi phí. Việt Nam, với các chính sách ưu đãi hấp dẫn và vị trí địa lý thuận lợi, đang nổi lên như một điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI.

Nhiều khả năng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn từ xu hướng này khi các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm địa điểm sản xuất mới phù hợp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút các dự án công nghệ cao, tạo thách thức trong nỗ lực nâng cấp lên các khâu giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguồn: https://cafef.vn/chung-khoan-kis-viet-nam-van-la-diem-den-hap-dan-voi-dong-fdi-188241202124346334.chn

    [submission_id id-lien-he]