Vốn điều lệ của công ty hiện là 105 tỷ đồng, trong đó 4 cổ đông lớn chiếm gần 90% cổ phần của công ty.
Công ty cổ phần Vàng Lào Cai (GLC) vừa thông báo về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật. Theo đó, người đại diện theo pháp luật mới của công ty là bà Nguyễn Thị Huyền.
Trước đó, ngày 1/12, bà Hoàng Thị Quế – Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty đã gửi đơn tự nhiệm với lý do “thay đổi nơi sinh sống và định hướng công việc”. Bà Quế làm Giám đốc công ty từ tháng 3/2019.
Cùng ngày này, ông Nguyễn Tiến Đức – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tiến Hải – Thành viên HĐQT công ty cũng đề nghị HĐQT xem xét từ nhiệm. Theo đó, ông Đức nghỉ vì lý do cá nhân trong khi đó ông Hải do thay đổi nơi sinh sống.
Ông Nguyễn Tiến Đức làm Chủ tịch HĐQT từ tháng 6/2022, còn ông Nguyễn Tiến Hải vừa được bầu vào HĐQT của Vàng Lào Cai vào tháng 7/2024.
Việc thay đổi nhân sự này diễn ra chưa đầy 3 tháng sau ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 9/2024. Ngay sau khi nhận được đơn từ nhiệm, ngày 2/12, Vàng Lào Cai đã bổ nhiệm 3 thành viên mới vào HĐQT, gồm ông Trần Quang Đặng (sinh năm 1958 – Chủ tịch), bà Nguyễn Thị Huyền và bà Phạm Thị Thu Nguyệt. Đồng thời, bà Huyền được bổ nhiệm làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty.
Vàng Lào Cai được thành lập năm 2007 tại Bản 3, Minh Hạ, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Số vốn điều lệ ban đầu là 45 tỷ đồng. 5 cổ đông tham gia góp vốn ban đầu là: Tổng công ty khoáng sản – Vinacomin (nay là Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP) (33%); Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khoáng sản 3 (nay là Công ty cổ phần Khoáng sản 3 – Vimico) (27%); Công ty Khoáng sản Lào Cai (15%); Công ty TNHH Thái Nguyên (15%) và Công ty Đông Bắc (10%).
Hiện nay, vốn điều lệ của công ty là 105 tỷ đồng. Công ty có 4 cổ đông lớn bao gồm ông Cao Trường Sơn (23,29%), ông Đỗ Tuấn Thịnh (22,86%), ông Phạm Anh Tuấn (20,09%) và ông Uông Huy Giang (22,91%).
Sản phẩm của dự án là tinh quặng vàng hàm lượng (quy đổi) 82 gam Au/tấn: Sản lượng thiết kế (max) 7.450 tấn/năm, tương đương với sản lượng khai thác khoảng 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm, khai thác bằng phương pháp hầm lò, tuyển thu hồi tinh quặng vàng bằng phương pháp tuyển trọng lực kết hợp tuyển nổi. Sản lượng Tinh quặng vàng quy đổi ra vàng kim loại (sản lượng cao nhất được phép) là 500 kg vàng kim loại/năm.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã hết phép khai thác từ năm 2019 và đến nay chưa được cấp phép lại. Do đó, 4 năm liên tiếp, từ 2020 – 2023, doanh nghiệp không ghi nhận bất kỳ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ nào.
Tại Báo cáo tài chính năm 2023, công ty kiểm toán cho biết, Vàng Lào Cai ghi nhận khoản lỗ lũy kế đến hết năm 2023 hơn 113 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 8,2 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2023, Công ty Vàng Lào Cai vẫn đang trong quá trình xin cấp phép khai thác mỏ mới nhưng chưa được chấp thuận. Đồng thời, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của công ty 22,11 tỷ đồng.
Vàng Lào Cai đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ tháng 1/2019, được xem là doanh nghiệp duy nhất có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực đào, khai thác vàng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GLC bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4/2024. Hiện, cổ phiếu của doanh nghiệp này ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nguồn: https://cafef.vn/bien-dong-lon-vua-xay-ra-tai-cong-ty-khai-thac-vang-duy-nhat-tren-san-chung-khoan-viet-188241206131351883.chn