Dường như ngày càng nhiều doanh nghiệp đại chúng bị phạt, bêu tên vì lỗi không công bố thông tin, công bố sai lệch thông tin, dù mức phạt khá nặng và những hành vi phạt được mở rộng…
Ngày 16/12, Công ty Cổ phần Sản xuất bao bì và Hàng xuất khẩu (đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) bêu tên và phạt 462,5 triệu đồng. Trong đó, công ty bị phạt92,5 triệu đồng do không công bố thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Công ty này đã không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN nhiều loại báo cáo (báo cáo tình hình quản trị công ty trong 6 tháng đầu năm 2022, báo cáo năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, năm 2023, 6 tháng đầu năm 2024; Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, năm 2023; Báo cáo thường niên năm 2022, 2023…).
Công ty Cổ phần Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu cũng bị phạt 350 triệu đồng vì không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán (Công ty nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng năm 2011. Tuy nhiên, đến nay công ty không đăng ký giao dịch chứng khoán).
Cũng liên quan tình trạng chậm, né tránh công bố thông tin, công ty này bị phạt thêm 200 triệu đồng do không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về phương tiện, hình thức công bố thông tin.
Cũng công bố thông tin sai lệch, chưa sát thực, Công ty Cổ phần Rạng Đông Holding (địa chỉ: 190 Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, TPHCM) trong ngày 11/12 cũng bị phạt 92.500.000 đồng đối với hành vi không công bố thông tin theo quy định.
Công ty này không công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên soát xét năm 2024; công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định đối với các tài liệu (BCTC riêng kiểm toán năm 2023, BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023, Báo cáo thường niên năm 2023…).
Công ty Cổ phần Rạng Đông Holding cũng bị phạt: 150.000.000 đồng vì công bố thông tin sai lệch về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2023. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2023 trên BCTC quý IV/2023 là 17,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2023 trên BCTC riêng năm 2023 được kiểm toán là -117,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 trên BCTC hợp nhất quý IV/2023 là hơn 26 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2023 trên BCTC hợp nhất năm 2023 được kiểm toán là -146,7 tỷ đồng).
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, công ty đại chúng không công bố thông tin, BCTC là vi phạm quy định về cáo bạch thông tin khiến nhà đầu tư có thể nghi ngờ về khả năng vụ lợi.
BCTC là một trong những loại thông tin mà doanh nghiệp niêm yết phải công bố. Qua báo cáo, các “chỉ số sống” của doanh nghiệp hiện lên rõ và là cơ sở tin cậy để doanh nghiệp quyết định chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, điều này bị nhiều doanh nghiệp xem nhẹ, né công bố BCTC, gây lo lắng cho nhà đầu tư.
Thực tế, khi công ty đại chúng đưa ra BCTC đòi hỏi sự thận trọng nhất định. Lý do là nếu chỉ số tài chính của doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư và dễ thu hút dòng vốn; cổ phiếu giao dịch sẽ sôi động. Trường hợp doanh nghiệp thông tin sai lệch, người công bố thông tin sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, doanh nghiệp bị thiệt hại về kinh tế, uy tín.
Nhà đầu tư thông thường không có đủ thời gian, khả năng hiểu biết thực tế về doanh nghiệp luôn hạn chế, do đó, các loại thông tin về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trên BCTC luôn là căn cứ quan trọng nhất để họ tìm hiểu, ra quyết định giao dịch cổ phiếu. Khi không có được thông tin đầy đủ, nhà đầu tư sẽ rơi vào rủi ro, đầu tư như bị che mắt, đánh lạc hướng, vì thế rất nhiều người từng bị doanh nghiệp thao túng chứng khoán “úp sọt”.
Dường như nỗi lo sợ của nhà đầu tư trước thông tin méo mó, doanh nghiệp thao túng một số cổ phiếu từng diễn ra vẫn đang hiện hình, nhất là khi danh sách doanh nghiệp bị phạt vì công bố thông tin sai lệch, chậm ngày càng dài. Thời gian qua, chứng khoán kéo dài chuỗi ngày kém sôi động, thanh khoản thấp, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, VN-Index lẹt đẹt dao động quanh ngưỡng 1.200 điểm, trái ngược với yếu tố vĩ mô rất tích cực.
Nguồn: https://cafef.vn/an-phat-nang-sao-nhieu-doanh-nghiep-ne-cong-bo-thong-tin-188241217113246521.chn