Góc nhìn chuyên gia: Điểm số không còn quá quan trọng, hiện tại là thời điểm vàng để đón “sóng” năm mới

Với bối cảnh thế giới nhiều ẩn số và trạng thái thanh khoản hiện tại, việc giữ trận và duy trì được quanh vùng hiện tại theo ông Huy đã là một thành công.

Sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn trong tuần 9-13/12 . VN-INDEX ghi nhận 4 phiên liên tiếp giảm điểm khi gặp kháng cự quanh 1.280 điểm. Lực cầu yếu cũng khiến thị trường rơi vào thế khó. Áp lực bán ròng của khối ngoại cộng thêm sự thiếu vắng thông tin hỗ trợ càng khiến tâm lý của nhà đầu tư không ổn định. VN-Index giảm tổng cộng 7,57 điểm (-0,6%) sau 5 phiên xuống 1.262,57 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.207 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Nhận định về diễn biến tuần mới, các chuyên gia cho rằng dòng tiền ảm đạm đang là yếu tố đáng chú ý. Dù vậy, xu hướng trung, dài hạn vẫn tương đối tích cực và nhà đầu tư cần tập trung đánh giá lại danh mục đầu tư cũng như lên chiến lược phân bổ tỷ trọng vào các ngành cổ phiếu tiềm năng.

Góc nhìn chuyên gia: Điểm số không còn quá quan trọng, hiện tại là thời điểm vàng để đón "sóng" năm mới- Ảnh 1.

Chưa thấy yếu tố nào có thể kích thanh khoản lên ngoài những kỳ vọng đơn thuần

Đánh giá về bối cảnh chung,


ông Bùi Văn Huy




, Giám đốc điều hành CN TP. Hồ Chí Minh – CTCK DSC, Chủ tịch CTCP 1IB


cho rằng thị trường trường chứng khoán thế giới có nhiều dấu hiệu suy yếu và dễ điều chỉnh ngắn hạn. Thị trường chứng khoán thế giới và các loại tài sản rủi ro đã có đợt tăng giá mạnh mẽ sau khi ông Trump đắc cử, khiến các thị trường chưa điều chỉnh đủ rong nhịp giảm tháng 10-11. Đến hiện tại, nhiều tín hiệu liên thị trường cho thấy đà tăng của nhiều tài sản đang suy yếu dần. Bên cạnh đó, FED nhiều khả năng sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay nhưng điều này cũng đã phản ánh kỳ vọng. DXY có dấu hiệu tăng trở lại và duy trì xu hướng tăng dài hạn khi ông Trump đắc cử. Tóm lại trong phần còn lại của năm 2023 và bước qua năm mới 2024, liên thị trường có nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Trong nước, trước tiên chuyên gia đánh giá trạng thái dòng tiền rất yếu. Thị trường ngập tràn các tin tức tốt về vĩ mô, chính sách nhưng không thoát khỏi trạng thái ảm đạm. Câu hỏi lớn là “Tại sao tin tốt nhiều vậy mà thị trường không tăng?”. Có một vài phiên nhất định tiền vào khởi sắc vì có thể tâm lý nhà đầu cơ sốt ruột và FOMO khi VN-Index quá kém so với các thị trường khác, song vẫn không thể duy trì động lượng sau đó. Việc này cũng sẽ tiềm ẩn nguy hiểm nếu tiền không được cuốn vào, dòng tiền ngắn hạn mất kiên nhẫn khả năng sẽ tiến hành cắt lỗ khiến thị trường càng ảm đạm.

Ông Huy không loại trừ kịch bản tích cực trong năm 2025 tuy nhiên xét trong ngắn hạn, dòng tiền trên thị trường đang kém tích cực, VN-Index hồi về gần vùng đỉnh cũ với thanh khoản yếu. Lực cung ghi nhận không quá lớn vì người bán cũng không tìm được lý do bán quyết liệt khi các thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn rất khỏe. Tuy nhiên khi các thị trường có khả năng suy yếu như đã nói ở trên, VN-Index nhiều khả năng sẽ gặp áp lực.

Sau một năm 2024 vật vã với việc khối ngoại bán ròng, dòng tiền hiện tại đã “mỏi”. Với bối cảnh thế giới nhiều ẩn số và trạng thái thanh khoản hiện tại, việc giữ trận và duy trì được quanh vùng hiện tại theo ông Huy đã là một thành công.

Vị chuyên gia đến từ DSC vẫn nghiêng về kịch bản thị trường giao dịch ảm đạm. Điểm số không quá quan trọng trong thời gian tới, biên giao dịch 1.240-1.280 điểm có thể được duy trì. Nếu thanh khoản không trở lại thì thị trường không có nhiều yếu tố để bàn luận, các cơ hội giao dịch trong ngắn hạn vẫn rất khó khăn.

Góc nhìn chuyên gia: Điểm số không còn quá quan trọng, hiện tại là thời điểm vàng để đón "sóng" năm mới- Ảnh 2.

Việc ông Trump đắc cử khiến thị trường chứng khoán thế giới có đoạn tăng trưởng rất tốt từ tháng 11 đến nay và hiện có dấu hiệu suy yếu. Có thể nói sóng năm mới đã đến sớm với TTCK thế giới và trong ngắn hạn xuất hiện nhiều tín hiệu rủi ro hơn. Đối với thị trường Việt Nam, nhiều người kỳ vọng sóng đầu năm hay những mốc cao mới trong năm mới 2025 nhưng chưa trả lời được câu hỏi trong ngắn hạn “Tiền mới ở đâu?”. Chưa thấy yếu tố nào có thể kích thanh khoản lên ngay được ngoài những kỳ vọng đơn thuần.

Có những năm vẫn có sóng đầu năm nhưng trước đó là cú giảm mạnh trong thời điểm cuối năm như 2024, 2025, 2018, 2019, 2022,… Do đó, thị trường nên cởi mở với mọi kịch bản, dù bối cảnh hiện tại có nhiều thông tin tốt. Tất nhiên thị trường chưa có gì quá xấu, do đó việc nắm giữ các vị thế trung và dài hạn vẫn có thế được duy trì. Với các giao dịch ngắn hạn, nhà đầu tư cần chờ đợi thêm câu trả lời từ thanh khoản thị trường.

Ông Huy đánh giá thị trường 2025 có các câu chuyện chính: đà phục hồi kinh tế; câu chuyện nâng hạng; đầu tư công và dịch chuyển sản xuất khi ông Trump lên. Đối với mùa KQKD quý 4, chuyên gia cho rằng vẫn sẽ có sự tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng không nhiều bất ngờ, sẽ không có nhóm ngành nào từ nền quá thấp vì nền kinh tế đã qua đáy ngoại trừ một số doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng,…

Đối với nhóm ngành ngân hàng, mùa KQKD sẽ trả lời câu hỏi lợi nhuận chung của ngành còn duy trì được đà tăng trưởng hay đã qua đỉnh. Đối với nhóm cổ phiếu BĐS, hiện nhận được nhiều kỳ vọng từ sự thay đổi các Luật liên quan. Tuy nhiên tác động sẽ còn phải chờ xem có nhanh được hay không và tiến độ tháo gỡ khó khăn ở góc độ Pháp lý thế nào. Theo tìm hiểu, không có nhiều doanh nghiệp BĐS có lợi nhuận và có dự án để ghi nhận trong quý 4/2024; do đó sóng BĐS nếu có là sóng kỳ vọng và khó kéo dài, nhà đầu tư nên lưu ý điều này. Đến giữa và nửa cuối 2025, kỳ vọng sẽ rõ ràng hơn khi doanh nghiệp nào đủ khỏe sẽ qua khó khăn, có dự án mở bán, dòng tiền và lợi nhuận thực sự.


Thời điểm vàng để đón sóng năm mới

Theo quan điểm của


Ông Trần Quốc Toàn – Giám đốc Chi nhánh 2 Hội sở Mirae Asset




,


nhìn rộng hơn thị trường đã có nhiều nỗ lực đáng kể xét trong 1 tháng trở lại đây thì VN-Index đã tăng gần 80 điểm trong thời gian khá ngắn sau khi điều chỉnh về 1.200 điểm nên các phiên giao dịch gần đây mang yếu tố tích luỹ trở lại. Thanh khoản thấp trong bối cảnh này là bình thường và phù hợp với bối cảnh dòng tiền hiện tại và xu hướng hồi phục ngắn hạn chưa có nhiều thay đổi trong tuần vừa rồi.

Đà tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn có thể quay trở lại sớm với sự dẫn dắt vẫn sẽ đến từ ngành mang tính trụ cột như ngân hàng sau khi đã có nhịp điều chỉnh mang tính hấp thụ lượng cung chốt lời ngắn. Thực tế là trong năm tài chính hiện tại, ông Toàn cho rằng nhóm ngân hàng với đặc tính vốn hóa lớn nhất luôn kích hoạt mọi đợt tăng của thị trường chung. Hơn nữa, trong tháng 12 này dự kiến sẽ là đợt hạ lãi suất thêm 0,25-0,5% từ FED nên sẽ phần nào cởi trói tâm lý của thị trường chung, giúp thanh khoản sẽ cải thiện và gia tăng trở lại. Ngoài ra, động thái bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam đang hạ nhiệt đáng kể sau trong thời gian gần đây cũng giảm đi trở ngại tăng điểm của thị trường.

Theo chuyên gia đến từ Mirae Asset, thị trường đã xuất hiện một phiên thu hút cầu mạnh và điểm số tăng rất ấn tượng vào ngày 5/12. Điều này giải thích rằng “lực cầu tiềm năng” ở thị trường vẫn tốt nhưng do yếu tố chu kỳ cuối năm và sự đồng pha giữa các nhóm cổ phiếu còn rất yếu nên chưa thể cải thiện dòng tiền mới vào thị trường, sự phân hóa vẫn khá mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Ông Toàn đánh giá thanh khoản và dòng tiền sẽ cải thiện vào năm sau khi mà các câu chuyện tăng trưởng của nền kinh tế và các ngành sẽ rõ hơn sau quá trình hồi phục sẽ kích hoạt dòng tiền vào TTCK mạnh hơn.

Với bối cảnh thị trường rơi vào thời điểm cuối năm tài chính và tâm lý nhà đầu tư ở mức trung bình, đây là khoản thời gian quý giá giúp chúng ta tập trung đánh giá lại danh mục đầu tư cũng như lên chiến lược phân bổ tỷ trọng vào các ngành cổ phiếu tiềm năng trong giai đoạn mới đặc biệt là trong năm 2025. Với phương hướng tập trung cho năm sau, thời điểm hiện tại cũng là thời gian để tích lũy thêm cổ phiếu vì quá trình tích lũy của thị trường và nhiều nhóm ngành đã gần xong và chuẩn bị chuyển qua pha tăng giá. Có thể gọi là thời điểm vàng làm điều này.

Nhận định về mùa BCTC quý 4/2024, chuyên gia dự đoán sẽ tiếp tục có nhiều phân hóa giữa các nhóm ngành. Trong đó, nhóm ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý 4 năm nay với sự dẫn đầu của nhóm Big 3 gồm VCB, CTG và BIDV sau các thông tin được chấp thuận tăng vốn và tăng trưởng tín dụng sẽ chạy đà về đích trong tháng cuối năm nay với mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ quanh 15% trong năm nay.

Bên cạnh đó, thị trường BĐS đang chứng kiến sự hồi phục tích cực từ các doanh nghiệp niêm yết với yếu tố pháp lý đang được thúc đẩy nhanh và quý 4 cũng là giai đoạn các chủ đầu tư đẩy mạnh bàn giao nhà để ghi nhận doanh thu và lợi nhuận và nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng triển khai mở bán các dự án mới của mình.

Nhóm ngành Bán lẻ thì duy trì xu hướng tăng trưởng trong 3 quý đầu năm và cả năm 2024 dự kiến sẽ rất tích cực với LNST ước tính sẽ tăng hơn 3 chữ số khi nền lợi nhuận năm ngoái thấp và hưởng lợi nhờ thời điểm mua sắm các dịp lễ cuối năm.

Nguồn: https://cafef.vn/goc-nhin-chuyen-gia-diem-so-khong-con-qua-quan-trong-hien-tai-la-thoi-diem-vang-de-don-song-nam-moi-188241215145416781.chn

    [submission_id id-lien-he]