Mặc kệ gia đình ngăn cản, người đàn ông nhận cái kết “đắng” sau khi đem toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời đi đầu tư, cảnh sát chốt câu cực “thấm”

Phải tới khi mất số tiền 19 tỷ đồng, nạn nhân mới nhận ra mình đã bị lừa.

Một người đàn ông ở phía đông Bengaluru, Ấn Độ đã mất khoảng 64 triệu rupee (19 tỷ VNĐ) trong một vụ lừa đảo đầu tư chứng khoán từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay. Những kẻ lừa đảo sử dụng danh nghĩa một công ty tư vấn từ Mỹ, với những chiêu trò và lời hứa hẹn lợi nhuận cao.

Trong đơn khiếu nại, Adarsh (nạn nhân – tên đã thay đổi), 52 tuổi, giám đốc kỹ thuật thiết kế tại một công ty tư nhân cho biết rằng không chỉ mất toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời mà còn vay mượn những khoản vay khổng lồ.

Cụ thể, Adarsh nhìn thấy một quảng cáo trên Facebook và nhấp vào đó, anh ta được thêm vào nhóm WhatsApp do một công ty có tên “International Equity Fund” (IEF) điều hành. Công ty này tự nhận là công ty tư vấn có trụ sở tại Delaware, Mỹ đã đăng ký tại Ấn Độ với tư cách là nhà đầu tư danh mục đầu tư nước ngoài (FPO). IEF tuyên bố có văn phòng tại Bandra, Mumbai.

Vào ngày 29/6, anh được lời mời tham gia dự án “Big Return! IEF’s 700% Profit Plan” đề xuất mức lợi nhuận 700%.

Ban đầu, nạn nhân được một vị xưng là Meera Patel liên hệ với số ĐTDĐ 9662635017 và 7842645604 vào ngày 19/7. Cô ấy giải thích về giao dịch chứng khoán cho nạn nhân. Sau đó, Adarsh lại được một cá nhân khác là Hardik Shah liên lạc bằng số ĐT 8923356247 và 7498858679, để đào tạo trực tuyến về giao dịch.

Họ chia sẻ các liên kết đến trang web của họ, nơi được tuyên bố là đã được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cấp phép. Nạn nhân được yêu cầu mở một tài khoản trên cổng thông tin.

Sau khoảng 15 ngày đào tạo, chương trình IEF 700% bắt đầu.

Những kẻ lừa đảo đưa cho nạn nhân các khuyến nghị về cổ phiếu, về việc sắp xếp phân bổ ưu đãi trong các đợt IPO và tạo điều kiện cho giao dịch theo lô bằng cách tập hợp quỹ từ các nhà đầu tư. Chúng khiến Adarsh nộp đơn xin đăng ký mua IPO, phân bổ cho anh ta nhiều cổ phiếu hơn số lượng đăng ký.

Nạn nhân đã nạp vào 32 triệu Rupee (9,6 tỷ VNĐ) bằng cách vay mượn từ bạn bè và người thân. Khi trang web cho thấy giá trị đầu tư đạt 100 triệu Rupee (30 tỷ VNĐ), Adarsh tìm cách rút tiền, tuy nhiên chúng yêu cầu nạn nhân đặt cọc đảm bảo là 8 triệu Rupee (2,4 tỷ VNĐ).

Sau khi mặc cả, họ đã giải quyết với số tiền 7 triệu Rupee và nạn nhân đã chuyển số tiền này. Nhưng họ lại khóa tài khoản của anh, nói rằng anh không thực hiện đúng các bước rút tiền.

Nạn nhân lại được yêu cầu gửi 5 triệu Rupee và khi anh giải thích rằng mình không còn nguồn lực nào để nạp thêm, họ đã giảm xuống còn 3 triệu Rupee.

Tới lúc này, nạn nhân đã đầu tư được 64 triệu Rupee (19 tỷ VNĐ) và từ chối trả thêm. Tới ngày 2/12, nạn nhân vẫn không liên lạc và rút được đồng tiền nào. Anh ta mới nhận ra mình bị lừa và nộp đơn khiếu nại vào ngày 7/12.

Anh bộc bạch với cảnh sát rằng cả gia đình anh đều phản đối việc anh giao dịch, nhưng anh không nghe họ. Một cảnh sát cho biết IEF là một công ty lừa đảo tham gia vào giao dịch ngoại tuyến và không được đăng ký với Sebi.

Một vị cảnh sát khác nêu rõ: “ Người dân không nên tin vào những lời chào hàng giao dịch như vậy trừ khi đến tận văn phòng của họ. Và cũng nên thận trọng với những quảng cáo gian lận trên mạng xã hội. Mức lợi nhuận 700% là quá cao và mọi người phải hiểu rằng đó có thể là một vụ lừa đảo ”.

(Theo Timesofindia)

Nguồn: https://cafef.vn/mac-ke-gia-dinh-ngan-can-nguoi-dan-ong-nhan-cai-ket-dang-sau-khi-dem-toan-bo-tien-tiet-kiem-ca-doi-di-dau-tu-canh-sat-chot-cau-cuc-tham-188241214230105475.chn

    [submission_id id-lien-he]