Giải bài toán chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra tại ngân hàng?

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu giảm lãi suất cho vay có thể không dễ dàng được thực hiện một cách đồng loạt, nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang phải đối mặt với bài toán thanh khoản và áp lực huy động vốn.

Chiều ngày 07/09, tại buổi họp báo Chính phủ thưởng kỳ tháng 8, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, dư nợ tín dụng tăng trưởng 7.15%, trong khi mục tiêu đặt ra là 15% trong năm nay.

Tăng trưởng tín dụng sẽ mở rộng đầu tư, từ đó góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Vì vậy, NHNN đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hạ lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay những khoản mới trung bình hiện nay là 6.23%, giảm 0.86% so với cuối năm 2023; trong khi lãi suất huy động là 3.84%, có tăng 0.23%, mức tăng rất nhỏ.

Theo Phó Thống đốc, lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, cho thấy các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp từ nguồn lợi nhuận của mình, tức phải trả cho lãi suất cao hơn cho người gửi nhưng tiền cho vay lại giảm, chênh lệch đầu vào đầu ra sẽ thu hẹp và lợi nhuận của các ngân hàng thương mại năm nay chắc là có phần giảm hơn những năm trước.

Sau khi bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi từ tháng 4. Từ cuối tháng 8, các ngân hàng thương mại có diễn biến trái chiều trong điều chỉnh biểu lãi suất huy động.

Từ 05/09, DongABank tăng từ 0.5-1.3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3.8%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5.2%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5.8%/năm và trên 12 tháng là 6%/năm.

Tương tự, VPBank tăng từ 0.2-0.5 điểm phần trăm lãi suất tất cả các kỳ hạn từ ngày 08/08/2024. Với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, Ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng lên 3.5%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên 4.9%/năm, kỳ hạn 12 tháng lên 5.4%/năm và trên 12 tháng là 5.7%/năm.

VIB chỉ tăng nhẹ 0.1-0.2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng. Cụ thể, với khoản tiền gửi dưới 300 triệu đồng, VIB áp dụng lãi suất huy động 1 tháng là 3.2%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 3.5%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng là 4.5%/năm.

Ở chiều ngược lại, BAB giảm từ 0.1-0.2 điểm phần trăm lãi suất tất cả các kỳ hạn từ ngày 14/08/2024. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm xuống còn 3.5%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm còn 3.8%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm còn 5%/năm, kỳ hạn 12 tháng gi3m còn 5.6%/năm.

PvcomBank giàm 0.05 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3%/năm, trong khi tăng 0.05 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 3 tháng lên 3.3%/năm, các kỳ hạn còn lại giữ nguyên từ 21/08/2024.

Tính đến ngày 09/09/2024, lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng được các ngân hàng duy trì trong khoảng 1.6-4%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 2.9-5.5%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 3.7-5.8%/năm.

Ở kỳ hạn 12 tháng, SGBDongABank là ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất với 5.8%/năm. Kế đó là BVB ở mức 5.7%/năm; BVBBAB cùng giữ 5.6%/năm.

Ở kỳ hạn 6 tháng, NVB giữ mức lãi suất cao nhất ở 5.25%/năm. Kế đó là DongABank ở mức mức 5.2%/năm.

Trong khi kỳ hạn 3 tháng đang có mức lãi suất cao nhất tại NVB là 4%/năm.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 09/09/2024

Tại các ngân hàng ngoại, Public Bank tiếp tục tăng nhẹ lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống. Tính đến 09/09/2024, ở kỳ hạn 12 tháng Public Bank có lãi suất lên mức cao nhất là 5.5%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, Public Bank vẫn có mức lãi suất cao nhất ở 4.7%/năm.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng ngoại tính đến ngày 09/09/2024

Giải bài toán chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay sức ép tăng lãi suất rất lớn, nếu như lãi suất huy động quá thấp sẽ không thu hút được người gửi tiền, cho nên các ngân hàng thời gian qua đã có động thái tăng lãi suất đầu vào.

Thế nhưng, chủ trương của Chính phủ và NHNN tiếp tục mong muốn hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nên các ngân hàng thương mại cố gắng giữ mức lãi suất thấp. Từ nay đến cuối năm, lãi suất đầu vào cũng sẽ ổn định như hiện nay, hoặc nếu có thì tăng không nhiều; lãi suất đầu ra sẽ không tăng.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM đánh giá, NHNN chỉ đạo giảm lãi suất cho vay, nhưng phải có hỗ trợ vì các ngân hàng thương mại vẫn phải đảm bảo NIM. Nếu lãi suất đầu vào tăng, nhưng không tăng lãi suất đầu ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Điều này chắc chắn “gây khó” cho các ngân hàng.

Vì vậy, ông Huân cho rằng nếu NHNN muốn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, sẽ phải bơm thêm tiền, đặc biệt là trên thị trường liên ngân hàng, sẽ giúp giải quyết thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Từ đó, giúp cho các ngân hàng không tăng lãi suất huy động trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức cao, nhất là khi nhu cầu tín dụng từ doanh nghiệp và người tiêu dùng đang tăng lên sau giai đoạn khó khăn của đại dịch. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động, nhằm thu hút thêm vốn từ dân cư và doanh nghiệp.

Tính cạnh tranh giữa các ngân hàng cũng là yếu tố thúc đẩy sự tăng lãi suất huy động. Khi một số ngân hàng tăng lãi suất để thu hút khách hàng, các ngân hàng khác phải theo kịp để tránh mất thị phần. Điều này dẫn đến một vòng xoáy tăng lãi suất huy động, tạo thêm áp lực về chi phí vốn cho hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh này, việc NHNN yêu cầu giảm lãi suất cho vay có thể không dễ dàng được thực hiện một cách đồng loạt, nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang phải đối mặt với bài toán thanh khoản và áp lực huy động vốn. Tuy nhiên, còn tùy vào chiến lược quản lý của từng ngân hàng thương mại cũng sẽ quyết định mức độ và tốc độ giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng có thể chọn cách giảm lãi suất cho một số phân khúc khách hàng hoặc sản phẩm vay ưu đãi, trong khi vẫn duy trì mức lãi suất hợp lý với các nhóm khách hàng rủi ro hơn để bảo vệ biên lợi nhuận.

Cát Lam

FILI

Nguồn: https://vietstock.vn/2024/09/giai-bai-toan-chenh-lech-lai-suat-dau-vao-dau-ra-tai-ngan-hang-757-1227532.htm

    [submission_id id-lien-he]